Trang chủ Nghiên cứu khoa học Thông tin hoạt động KHCN

Nghiệm thu cấp Nhà nước nhiệm vụ KH&CN cấp Quốc gia mã số KHCN - TNB.ĐT/14 - 19/C11 thuộc Chương trình Tây Nam Bộ



Sáng ngày 12/03/2021, tại Văn phòng Chương trình Tây Nam Bộ (CTTNB), Hội đồng tư vấn đã họp đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp Quốc gia đề tài “Nghiên cứu sự biến đổi môi trường sinh thái vùng hạ lưu sông Mekong thuộc lãnh thổ Việt Nam và đánh giá tác hại của các hoạt động kinh tế không được kiểm soát tại vùng thượng lưu sông Mekong”, mã số KHCN - TNB.ĐT/14 - 19/C11, thuộc CTTNB giai đoạn 2014 - 2019, do TT QLN&BĐKH, Viện MT&TN, ĐHQG-HCM chủ trì và PGS.TS Châu Nguyễn Xuân Quang làm chủ nhiệm, thực hiện từ năm 2017 - 2020.


            Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu gồm 09 thành viên do GS. TS Lê Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội KH&KT Thủy lợi TP.HCM làm Chủ tịch Hội đồng, PGS. TS Từ Diệp Công Thành, Giám đốc VPCT TNB làm Phó Chủ tịch Hội đồng, 02 Ủy viên Phản biện gồm GS. TS Võ Quang Minh (Trường ĐH Cần Thơ), PGS. TS Nguyễn Nghĩa Hùng (Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam) và 05 ủy viên. Ngoài ra, cuộc họp còn có sự tham dự của TS. Phan Ngọc Minh - Thư ký CTTNB, TS. Trần Đức Dũng - đại diện Cơ quan chủ trì, các thành viên chính thực hiện đề tài và các đại biểu.

        Tại Hội đồng, PGS.TS Châu Nguyễn Xuân Quang đại diện nhóm nghiên cứu báo cáo tóm tắt các kết quả nghiên cứu của đề tài. Kết quả nghiên cứu cho thấy sự phát triển hồ chứa ở khu vực thượng lưu đã có những tác động mạnh mẽ đến chế độ dòng chảy và bùn cát vùng ĐBSCL. Tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, xói lở - bồi lắng tại ĐBSCL diễn ra ngày càng nghiêm trọng hơn. Sinh kế nông nghiệp vùng ĐBSCL có tính dễ bị tổn thương cao đối với những biến động môi trường sinh thái như thay đổi chế độ dòng chảy, hạn hán, xâm nhập mặn, biến đổi khí hậu. Đề tài đã xây dựng bộ bản đồ đa thời gian, đa chủng loại gồm: Hiện trạng sử dụng đất, hệ sinh thái rừng, xói lở bờ sông, phù sa lơ lửng và độ đục, chất lượng nước,…là cơ sở dữ liệu phổ biến qua cổng thông tin nhằm cung cấp thông tin chính xác và kịp thời cho nhà quản lý, nhà khoa học và người dân. 

       Trong quá trình thực hiện đề tài, nhóm nghiên cứu đã công bố 05 bài báo quốc tế xuất bản trên các tạp chí uy tín như Scientific Reports (IF = 4.15, SCI, Q1), Water (IF = 2.544, SCIE, Q1), Journal of Environmental Planning and Management (IF =2.18, SCIE, Q1), Hydrological Processes (IF =3.47, SCIE, Q1), …. Đề tài còn hỗ trợ đào tạo 02 Nghiên cứu sinh và 04 Thạc sỹ. Bên cạnh đó, đề tài đã hỗ trợ và phối hợp tốt với các đối tác Đức trong dự án Catch Mekong để triển khai các nghiên cứu, khảo sát hiện trường tại ĐBSCL và phát triển cổng kiến thức Mekong để cung cấp dữ liệu thông tin theo địa chỉ https://catchmekong.eoc.dlr.de/Elvis/.

         Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu đánh giá cao kết quả đề tài đạt được, đặc biệt có nhiều sản phẩm vượt chỉ tiêu so với thuyết minh đề cương như: số lượng bài báo quốc tế vượt 03 bài (số lượng đăng ký: 02 bài; số lượng đạt được: 05 bài) và số lượng NCS vượt 01 chỉ tiêu (số lượng đăng ký: 01 chỉ tiêu; số lượng đạt được: 02 chỉ tiêu) được đề tài hỗ trợ. Hội đồng cũng ghi nhận sự nỗ lực rất lớn của nhóm thực hiện đề tài trong việc hoàn thành đúng tiến độ đề tài khi phải thực hiện khối lượng công việc rất lớn. Căn cứ vào các kết quả đạt được, Hội đồng đã thống nhất nghiệm thu đề tài KHCN - TNB.ĐT/14 - 19/C11 với kết quả “Đạt”, đảm bảo các mục tiêu, nội dung nghiên cứu và các sản phẩm theo đề cương được duyệt.

Một số hình ảnh trong buổi họp hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu đề tài:

Hình 1. Thư ký hành chính đọc quyết định thành lập hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu đề tài

 

Có thể là hình ảnh về 2 người, mọi người đang ngồi, mọi người đang đứng và trong nhà

Hình 2. GS.TS. Lê Mạnh Hùng, Chủ tịch hội đồng, phát biểu khai mạc cuộc họp

 

  

Hình 3. PGS.TS Châu Nguyễn Xuân Quang, Chủ nhiệm đề tài, trình bày kết quả nghiên cứu

   

Hình 4. Thành viên hội đồng và nhóm nghiên cứu trao đổi, thảo luận ý kiến