Trang chủ Nghiên cứu khoa học Thông tin hoạt động KHCN

IER đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ với các tỉnh Miền Đông Nam Bộ giai đoạn 2021-2022



Trong hai năm trở lại đây, Viện Môi trường và Tài nguyên đang tập trung mở rộng phạm vi nghiên cứu, tích cực hợp tác với các địa phương thuộc vùng Đông Nam Bộ thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực môi trường và Tài nguyên


     Bên cạnh duy trì hợp tác với các địa phương vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long, Viện còn mở rộng phạm vi nghiên cứu đến các tỉnh Miền Đông Nam Bộ. Viện đã có những đóng góp tích cực trong việc thực hiện các thoả thuận hợp tác giữa Đại học quốc gia TPHCM và các địa phương vùng Đông Nam Bộ như TPHCM, Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Lâm Đồng, Đắk Nông, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai. 

     Khu vực Đông Nam Bộ được đánh giá là khu vực phát triển năng động nhất ở Việt Nam. Sau 31 năm đổi mới, Đông Nam Bộ đã trở thành vùng phát triển nhất cả nước về công nghiệp hoá, đô thị hoá. Song song đó, yêu cầu trong công tác bảo vệ môi trường, phát triển bền vững vùng cũng trở nên vô cùng cấp bách. Nắm bắt những yêu cầu này, những năm gần đây Viện Môi trường và Tài nguyên đã tích cực hợp tác với nhiều địa phương thuộc vùng Đông Nam Bộ thực hiện các đề tài, dự án khoa học công nghệ về giảm thiểu ô nhiễm, biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên, phát triển bền vững… đồng thời tích cực thực hiện công tác chuyển giao công nghệ trong xử lý nước thải, khí thải, quản lý chất thải rắn đóng góp đáng kể cho công tác BVMT của các địa phương. 

1. Thành phố Hồ Chí Minh

Viện đã triển khai nhiều hợp tác sâu rộng với các cơ quan ban ngành của Thành phố Hồ Chí Minh và triển khai nhiều nhiệm vụ đóng góp thiết thực cho thành phố. Viện đã ký thoả thuận hợp tác với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP.HCM về nghiên cứu áp dụng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn năm 2022 – 2025. Trên cơ sở đó, Viện đang triển khai một số nhiệm vụ như xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn cho nông thôn mới, nghiên cứu đề xuất các cơ chế chính sách bảo vệ môi trường cho đặc thù nông thôn của TP.HCM. 

 

   

    

Một số hình khảo sát thực tế thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu về kinh tế tuần hoàn hợp tác với Sở NNPTNT

   

 Viện cũng đã thảo luận và thống nhất một số nội dung hợp tác về đào tạo và nghiên cứu khoa học với Sở Xây dựng thành phố, tập trung vào lĩnh vực quản lý ngập đô thị và ứng phó BĐKH. Từ năm 2019, Viện đã thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu cải tạo và nâng cấp hệ thống thoát nước nhằm kiểm soát ngập lụt do lượng mưa và triều cường tăng trong điều kiện biến đổi khí hậu trên địa bàn TP.HCM, đề tài hoàn thành trong năm 2023. Song song đó, Viện còn đề xuất các giải pháp trữ nước mưa góp phần quản lý ngập lụt bền vững cho TP.HCM dưới tác động của tốc độ đô thị hóa và biến đổi khí hậu trong khuôn khổ đề tài NCKH được thực hiện từ tháng 12/2020 đến tháng 06/2023.

 

     

Hình ảnh khảo sát hiện trạng ngập lụt và rác thải trên địa bàn TP.HCM

     

Bên cạnh công tác quản lý ngập lụt đô thị, Viện còn góp phần vào công tác quản lý tài nguyên đất và nước của thành phố qua các nhiệm vụ như điều tra, đánh giá khu vực đất bị ô nhiễm tồn lưu trên địa bàn TP.HCM hay nhiệm vụ tính tải lượng ô nhiễm nguồn nước trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh thực hiện trong giai đoạn 2019 – 2020; Nhiệm vụ khảo sát thủy văn xâm nhập mặn thực hiện từ tháng 12/2021 đến tháng 11/2022. Ngoài ra, Viện còn thực hiện nghiên cứu về đánh giá giá trị của các nguồn nước mặt và nước dưới đất trên địa bàn TPHCM phục vụ công tác quản lý, khai thác sử dụng hợp lý.

      Bên cạnh tài nguyên nước, quản lý ô nhiễm không khí và chất thải đang là một trong những nhu cầu bức thiết của một siêu đô thị như thành phố Hồ Chí Minh. Đồng hành cùng địa phương, Viện đã thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng như Đánh giá mức độ giảm ô nhiễm không khí do hoạt động giao thông vận tải tại TP.HCM giai đoạn 2019 – 2020, đánh giá khí hậu TP. HCM giai đoạn 2020 – 2021.

Về quản lý chất thải trên địa bàn thành phố, trong năm 2020 Viện đã thực hiện Đề án quản lý phát thải gây hiệu ứng nhà kính; quản lý các hoạt động kinh doanh tín chỉ các-bon ra thị trường thế giới: Nông nghiệp và Giao thông và nhiệm vụ khảo sát, đánh giá hiện trạng sản xuất và sử dụng túi ni lông trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Giai đoạn 2020 – 2021, Viện triển khai thêm đề án quản lý phát thải gây hiệu ứng nhà kính; quản lý các hoạt động kinh doanh tín chỉ các-bon ra thị trường thế giới: Công nghiệp và Tòa nhà.

   

Khảo sát bãi chôn lấp Bình Khánh

Khảo sát bãi chôn lấp Long Hòa

Viện cũng góp phần trong công tác quản lý vùng ven cho thành phố Hồ Chí Minh qua nhiệm vụ tổ chức quản lý sử dụng bền vững rừng ngập mặn Cần Giờ tầm nhìn đến năm 2025, thực hiện từ tháng 03/2020 đến tháng 12/2020.

2. Tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu:

Tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu là một trong những đối tác lớn của Viện với hàng loạt các nhiệm vụ cấp thiết về quản lý tài nguyên nước. Năm 2020, Viện đã thực hiện khảo sát, đánh giá thực trạng môi trường khu vực đầm nước trước Cống xả số 6; đánh giá sự cần thiết có cần phải tiếp tục thực hiện nhiệm vụ 3 theo Đề án xử lý ô nhiễm, cải tạo phục hồi môi trường khu vực đầm nước trước Cống số 6, xã Tân Hải, thị xã Phú Mỹ. Năm 2021, Viện đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng phương án sử dụng nước mặt nước biển tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và nhiệm vụ khảo sát, đánh giá mức độ hoàn thành các yêu cầu bảo vệ môi trường của dự án “Điều tra, đánh giá nhiễm mặn các tầng chứa nước do tác động của biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng tại các khu vực ven biển tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu”. Từ năm 2021 đến năm 2022, Viện tiếp tục hoàn thành xuất sắc 02 nhiệm vụ Vận hành mạng quan trắc nước dưới đất tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (trừ huyện Côn Đảo) và Xây dựng Chương trình QTMT trên địa bàn tỉnh BRVT, giai đoạn 2021 – 2025.

 

   

 

 

   Quá trình khảo sát, lấy mẫu và thực hiện đề tài

 

Hiện tại, Viện cũng đang thực hiện đề tài ứng dụng sinh khối, điều kiện tự nhiên và môi trường sẵn có cho các hộ chăn nuôi. Đề tài của Nhóm nghiên cứu về Kỹ thuật và Hệ thống không phát thải thuôc chương trình “Kỹ thuật và hệ thống không phát thải trong sản xuất công – nông nghiệp tại Việt Nam”. Một số hình ảnh vận hành mô hình cho hộ Trần Định Vọng nằm tại Thị xã Phước Bửu, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu:

 

Hầm biogas Bể lắng – lọc
Ủ phân Compost Phân Compost sử dụng cho trồng dừa và cỏ voi

 

3. Tỉnh Bình Dương

Trong giai đoạn 2020 – 2022, Viện thực hiện nhiệm vụ thí điểm một số mô hình tăng trưởng xanh quy mô nhỏ trên địa bàn tỉnh Bình Dương và nhiệm vụ điều tra, khảo sát xây dựng cơ sở dữ liệu để đánh giá sức chịu tải và dự báo chất lượng nước các kênh, rạch, sông, suối tỉnh Bình Dương. Một số hình ảnh khảo sát trên địa bàn tỉnh:

 

Hệ thống mương tưới tiêu của vườn canh tác Thu gom và lưu trữ hóa chất gây hại
Thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật Đốt bỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật

 

4. Tỉnh Đồng Nai

Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, Viện thực hiện 02 nhiệm vụ về biến đổi khí hậu: nhiệm vụ xây dựng, cập nhật kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 được thực hiện từ năm 2020 đến năm 2021; nhiệm vụ xây dựng kế hoạch thực hiện thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Đồng Nai được thực hiện từ năm 2021 đến năm 2022.

5. Tỉnh Tây Ninh

Trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, Viện chủ yếu thực hiện các đề tài nhiệm vụ trong lĩnh vực quản lý tài nguyên nước. Từ tháng 05/2018 đến tháng 05/2020, Viện thực hiện đề tài Xác định cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Nhiệm vụ nghiên cứu, đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến các công trình hạ tầng quản lý nguồn nước phục vụ nông nghiệp của tỉnh Tây Ninh được thực hiện từ năm 2021 đến năm 2022. Ngoài ra, Viện còn được Sở TNMT tỉnh giao cho thực hiện nhiệm vụ xác định cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2018 – 2019. Hiện tại, Viện đang thực hiện nhiệm vụ khoanh định, phân vùng hạn chế khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, dự kiến hoàn thành vào năm 2024. 

 

 

     

Buổi Hội thảo góp ý, đánh giá kết quả Dự án xác định cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước trên địa bàn tỉnh Tây Ninh

 

  

 

  

Hình ảnh khảo sát, lấy mẫu các nguồn nước mặt

     Bên cạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, Viện còn có lợi thế về chuyển giao công nghệ và cung cấp dịch vụ tư vấn KHCN nhằm quản lý các nguồn ô nhiễm, giảm thiểu chất thải phát sinh cho các nhóm đối tượng khác nhau và hướng đến phát triển bền vững. Đây là một hoạt động khá đặc thù của Viện và Viện có riêng một trung tâm dịch vụ tư vấn và chuyển giao công nghệ phụ trách lĩnh vực này. Trung tâm Công nghệ Môi trường (CEFINEA) là một trong những đơn vị trực thuộc Viện có bề dày kinh nghiệm, có uy tín trong lĩnh vực dịch vụ tư vấn môi trường và xử lý chất thải. 

     Trong lĩnh vực dịch vụ tư vấn và phân tích thí nghiệm, Viện đã thực hiện nhiều hợp đồng tư vấn lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường, đề nghị cấp giấy phép khai thác tài nguyên nước, giấy phép xả thải vào nguồn nước, báo cáo hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường, kế hoạch vận hành thử nghiệm các công trình bảo vệ môi trường và quan trắc môi trường định kỳ cho các đối tác doanh nghiệp trong và ngoài nước hoạt động tại vùng Đông Nam Bộ. Công tác chuyển giao công nghệ mới, công nghệ cao và công nghệ xử lý chất thải hiệu quả trong một số lĩnh vực môi trường đặc thù như xử lý nước cấp và nước thải; xử lý bụi, khí thải; thông gió điều hoà không khí; xử lý chất thải rắn và chất thải nguy hại; ứng dụng các chế phẩm sinh học, hóa học để xử lý chất thải… cũng góp phần giải quyết các vấn đề khó khăn của xã hội, đưa được nhiều tiến bộ khoa học áp dụng vào thực tiễn, góp phần BVMT ở các khu công nghiệp và đô thị của Vùng. 

     Viện tham gia thực hiện dịch vụ chuyển giao công nghệ trong xử lý chất thải tại tất cả các tỉnh thành vùng Đông Nam Bộ. Trong đó tỉnh Bình Dương và thành phố Hồ Chí Minh là hai địa phương Viện thực hiện chuyển giao công nghệ mạnh vì đây là nơi tập trung rất nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước và nhu cầu rất lớn. Trên địa bàn tỉnh Bình Dương, Viện đã thi công một số công trình tiêu biểu như: lắp đặt hệ thống xử lý bụi công nghệ lọc bụi túi vải cho các công ty hoạt động trong lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi và trang phục, vật dụng dành riêng cho thú nuôi; thi công lắp đặt HTXL khí thải cho nhà máy sản xuất thùng carton 110.000 tấn sp/năm; cải tạo hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt và sản xuất cho các nhà máy chế biến gỗ gia dụng, nhà máy sản xuất các loại modun camera, quét dấu vân tay, máy lọc khí, máy hút bụi… Tại thành phố Hồ Chí Minh, Viện thực hiện cải tạo và vận hành hệ thống xử lý nước thải công suất 250m3/ngày đêm cho công ty vận tải kiêm sản xuất và kinh doanh các mặt hàng liên quan đến ngành công nghiệp may mặc; lập kế hoạch vận hành thử nghiệm HTXL nước thải công suất 2.950 m3/ngày.đêm áp dụng công nghệ hiện đại, cho phép điều chỉnh quá trình vận hành giữa các khâu sinh học và hoá lý dựa vào chất lượng nước thải đầu vào cho công ty dịch vụ vận tải, mua bán và xuất khẩu; dựa trên hệ thống XLNT hiện hữu của khu dân cư, cải tạo và bổ sung hệ thống xử lý sinh học 2 bậc giúp giảm tải lượng ô nhiễm, xử lý màu, tránh ngộ độc vi sinh… Một số công trình tiêu biểu tại các địa phương khác như: thi công và lắp đặt hệ thống xử lý nước thải công nghệ lọc RO cho các công ty nuôi trồng - buôn bán nông lâm sản và công ty cơ khí chính xác tại tỉnh Đồng Nai; cung cấp thiết bị xử lý nước thải cho công ty dệt may nằm trong KCN Minh Hưng tỉnh Bình Phước…

Để xây dựng mối liên hệ chặt chẽ hơn với các đối tác tiềm năng ở vùng Đông Nam Bộ, Viện Môi trường và Tài nguyên sẽ nỗ lực hoàn thiện không ngừng về năng lực nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Trên cơ sở đó, Viện sẽ tiếp tục đồng hành và hỗ trợ các địa phương vùng Đông Nam Bộ trong công cuộc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Trong giai đoạn tiếp theo, mục tiêu của tập thể Viện Môi trường và Tài nguyên là giữ vững và phát huy những thành tựu đã đạt được trong phong trào thi đua nghiên cứu khoa học.