Trang chủ Tổ chức phòng ban Khối phòng Chuyên Môn

Phòng Quản lý Tài nguyên



Chức năng và nhiệm vụ chính Nghiên cứu cơ sở khoa học phục vụ quản lý tài nguyên thiên nhiên


Lãnh đạo phòng

 

TS. Nguyễn Thanh Hùng

Email: thanhhung1468@gmail.com

SĐT: 028 2253 8586 - Ext: 235

  

Chức năng và nhiệm vụ

• Nghiên cứu khoa học phục vụ công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực sử dụng và bảo vệ tài nguyên môi trường: đất, nước mặt, nước ngầm, khoáng sản, sinh học và tài nguyên môi trường biển;

• Quản lý chuyên ngành đào tạo: Sử dụng và Bảo vệ tài nguyên môi trường cho cấp bậc đào tạo Tiến sỹ;

• Thực hiện các dịch vụ tư vấn khoa học công nghệ trong lĩnh vực sử dụng và bảo vệ tài nguyên môi trường;

• Hợp tác quốc tế trong nghiên cứu về quản lý tài nguyên môi trường.

 

Định hướng nghiên cứu

• Quản lý tổng hợp lưu vực sông: phát triển các công cụ, mô hình toán thích hợp để tính toán mô phỏng thủy lực, chất lượng nước, cân bằng nước; quản lý nhu cầu về nước, kiểm soát ô nhiễm từ các nguồn điểm và nguồn phân tán, định giá tài nguyên nước và thu hồi chi phí đối với các dịch vụ liên quan đến nước.

• Quản lý tổng hợp đới bờ: đánh giá các tài nguyên vùng đới bờ, phân vùng chức năng đới bờ để hỗ trợ quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội bền vững, đánh giá các rủi ro, xung đột trong khai thác sử dụng tài nguyên đới bờ.

• Quản lý tài nguyên nước dưới đất: phát triển các công cụ, mô hình toán thích hợp để tính toán mô phỏng động thái và chất lượng nước dưới đất; đánh giá rủi ro ô nhiễm nước dưới đất và các chiến lược, giải pháp thích hợp để quản lý bền vững tài nguyên nước dưới đất.

• Giải quyết các tranh chấp về ô nhiễm môi trường: phát triển các phương pháp, công cụ thích hợp để xác định phạm vi lan truyền ô nhiễm và mức độ ô nhiễm do xả thải không đúng quy định; định giá thiệt hại do ô nhiễm môi trường. 

• Quản lý tài nguyên khoáng sản: tập trung vào các giải pháp phòng ngừa ô nhiễm và phục hồi môi trường sau khai thác.

• Quản lý tài nguyên sinh học: điều tra, đánh giá tính đa dạng sinh học tập trung vào các khu đất ngập nước và các khu vực có tính đa dạng sinh học cao; quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học.

 
Tóm lượt các nhiệm vụ KHCN nổi bật  

Đề tài “Nghiên cứu đánh giá giá trị các nguồn nước mặt và nước dưới đất trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh phục vụ cho công tác quản lý, khai thác sử dụng hợp lý.”

Những kết quả chính mà đề tài đạt được có thể tóm tắt như sau: 

1. Phân loại và làm rõ các hàng hóa và dịch vụ được cung cấp bởi tài nguyên nước mặt và nước dưới đất trên địa bàn thành phố;

2. Xây dựng được “Khung khái niệm” về giá trị kinh tế của các nguồn nước mặt và nước dưới đất phù hợp trong điều kiện cụ thể của TPHCM, bao gồm các thành phần cấu thành nên Tổng giá trị kinh tế – TEV của tài nguyên nước mặt và nước dưới đất; các loại giá trị chính của tài nguyên nước (bao gồm các giá trị bên ngoài dòng chảy, bên trong dòng chảy và nước ngầm).

3. Lượng giá bằng tiền giá trị kinh tế của các nguồn nước mặt và nước dưới đất trong phát triển kinh tế – xã hội hiện tại của TPHCM và dự báo đến năm 2020.

4. Đánh giá được tầm quan trọng và sự đóng góp của các nguồn nước mặt và nước dưới đất trong tăng trưởng GDP và cơ cấu kinh tế của TPHCM. 

5. Xây dựng và áp dụng thử nghiệm 2 chỉ số đánh giá tính bền vững trong khai thác sử dụng các nguồn nước mặt và nước dưới đất phục vụ phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn TPHCM: Chỉ số cường độ sử dụng nước trong nền kinh tế và Chỉ số năng suất nước.

6. Đề xuất được các giải pháp tổng hợp, khả thi để quản lý, khai thác sử dụng hợp lý và bền vững các nguồn nước mặt và nước dưới đất trên địa bàn TPHCM.

Kết quả nghiên cứu của đề tài cung cấp nhiều thông tin hữu ích cho các nhà hoạch định chính sách cũng như các nhà quản lý đối với công tác quy hoạch và khai thác sử dụng tài nguyên nước mặt, nước dưới đất trên địa bàn thành phố.

Nhiệm vụ “Xây dựng Kế hoạch quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường vùng ven biển TPHCM”

Các kết quả chính của Nhiệm vụ này là:

1. Xây dựng Cơ sở dữ liệu bước đầu về tài nguyên và môi trường vùng ven biển thành phố Hồ Chí Minh.

2. Xây dựng Báo cáo hiện trạng quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường vùng ven biển thành phố Hồ Chí Minh và đề xuất các giải pháp phù hợp. 

3. Kế hoạch quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường vùng ven biển TPHCM giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Dựa trên kế hoạch này, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ra Quyết định số 713/QĐ-UBND ngày 21 tháng 2 năm 2017 về việc ban hành “Chương trình Quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ”.

 Nhiệm vụ “Điều tra khảo sát, đánh giá nguyên nhân gây chết hàng loạt cá nuôi trong lồng bè trên sông Chà Và, xã Long Sơn, thành phố Vũng Tàu”

Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tại cuộc họp ngày 07 tháng 9 năm 2015, trong đó Ủy ban nhân dân tỉnh giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Viện Môi trường và Tài nguyên (thuộc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) và các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức điều tra khảo sát, đánh giá nguyên nhân gây chết cá nuôi trong lồng bè trên sông Chà Và; thu thập, củng cố chứng cứ gây ô nhiễm môi trường để buộc các đối tượng xả thải có liên quan đền bù thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Kết quả của nhiệm vụ đã xác định rõ nguyên nhân gây chết hàng loạt cá nuôi lồng bè trên sông Chà Và là do xả nước thải ô nhiễm từ cống số 6 ra sông, trong đó trách nhiệm được phân định rõ ràng cho 14 doanh nghiệp có xả nước thải ô nhiễm ra đầm chứa trước cống số 6. Kết quả của nhiệm vụ này là căn cứ khoa học để Tòa án Nhân dân thành phố Vũng Tàu xét xử khiếu kiện tập thể giữa các hộ nuôi cá lồng bè trên sông Chà Và và 14 doanh nghiệp xả thải ra cống số 6, và tòa đã tuyên các doanh nghiệp phải bồi thường thiệt hại cho người nuôi thủy sản.

Đề tài “Khảo sát, điều tra và xây dựng kế hoạch bảo tồn nguồn gen tỉnh Long An”

Những kết quả chính của Đề tài này có thể tóm tắt như sau:

4. Đã thành lập được bản đồ phân vùng sinh thái và phân chia các hệ sinh thái chính trên địa bàn tỉnh Long An

5. Đánh giá tính đa dạng sinh học và nguồn gen tỉnh Long An, bao gồm: đa dạng sinh học và nguồn gen thực vật, động vật và tính đa dạng sinh học trong các khu bảo tồn hiện có.

6. Đánh giá hiện trạng công tác bảo tồn ĐDSH và nguồn gen tỉnh Long An, bao gồm: hiện trạng các khu bảo tồn, hiện trạng các cơ sở bảo tồn chuyển chỗ, hệ thống quản lý bảo tồn ĐDSH tại tỉnh Long An, những khó khăn thách thức trong công tác bảo tồn ĐDSH và nguồn gen tỉnh Long An.

7. Đề xuất danh mục các loài và các nguồn gen cần ưu tiên bảo vệ, bảo tồn trên địa bàn tỉnh Long An.

8. Đề xuất kế hoạch bảo tồn, phát triển, khai thác và sử dụng bền vững nguồn gen tỉnh Long An.