Trang chủ Nghiên cứu khoa học Thông tin hoạt động KHCN

Nghiệm thu đề tài loại B - Cấp ĐHQG-HCM B2021-24-02



Nghiên cứu và ứng dụng công cụ mô hình xác định phần đóng góp của các nguồn thải tới ô nhiễm BTEX trong không khí, từ đó xây dựng giải pháp giảm ô nhiễm tại Thành phố Hồ Chí Minh


     Ngày 02/06/2023, Viện Môi trường và Tài nguyên đã tổ chức hội đồng nghiệm thu đề tài loại B - Cấp ĐHQG-HCM mã số B2021-24-02 tại Phòng họp (cơ sở Quận 10). Đề tài “Nghiên cứu và ứng dụng công cụ mô hình xác định phần đóng góp của các nguồn thải tới ô nhiễm BTEX trong không khí, từ đó xây dựng giải pháp giảm ô nhiễm tại Thành phố Hồ Chí Minh " do PGS.TS Hồ Quốc Bằng làm chủ nhiệm trong thời gian từ 02/2021 đến 02/2023 (gia hạn lần 1 đến 08/2023).

     Benzen, Toluene, Ethyl-Benzen và Xylene (BTEX) là những chất ô nhiễm được sinh ra từ nhiều nguồn nhân tạo như nhiên liệu hóa thạch, đốt cháy không hoàn toàn từ xăng, xe cơ giới, sản xuất công nghiệp liên quan quá trình hóa dầu, sơn, dung môi, nhựa tổng hợp và cao su tổng hợp.

     Với vai trò của Đại học Quốc gia TP. HCM là nghiên cứu cung cấp cơ sở khoa học phục vụ cộng đồng cho khu vực TP. HCM và các tỉnh phía Nam, đề tài “Nghiên cứu và ứng dụng công cụ mô hình xác định phần đóng góp của các nguồn thải tới ô nhiễm BTEX trong không khí, từ đó xây dựng giải pháp giảm ô nhiễm tại TP. HCM” được thực hiện.

     Tại buổi nghiệm thu, đề tài đã được toàn thể hội đồng chấp thuận và đánh giá loại khá .

     Một số thông tin về đề tài:

     Mục tiêu nghiên cứu

Xác định phần đóng góp của các dạng nguồn chính tới nồng độ BTEX trong không khí bằng tiếp cận mô hình nơi tiếp nhận.

Xác định phần đóng góp của các nguồn thải tới ô nhiễm BTEX trong không khí của TP. HCM bằng tiếp cận kiểm kê nguồn thải.

Đề xuất các biện pháp giảm thiểu thích hợp nhằm nâng cao chất lượng không khí thành phố và bảo vệ sức khỏe người dân tại TP. HCM.

     Phương pháp nghiên cứu

Khung nghiên cứu của đề tài

     Nghiên cứu xác định các nguồn phân bổ BTEX bằng cách sử dụng hai cách tiếp cận: tính toán lượng phát thải (EI) và mô phỏng bằng mô hình PMF. Nghiên cứu đã kiểm kê nhiều nguồn phát thải BTEX tại TP.HCM để xác định nguyên nhân gây ô nhiễm. Một phương pháp cải tiến với sự kết hợp bottom-up và top-down đã được áp dụng để tiến hành kiểm kê phát thải, trong đó mô hình EMISENS được sử dụng để tính cho các nguồn giao thông đường bộ và phương pháp hệ số phát thải được sử dụng cho các nguồn phát thải khác.

     Bên cạnh đó, nghiên cứu đã sử dụng phương pháp phân tích hệ số ma trận dương (Positive Matrix Factor - PMF) để phân tích nồng độ BTEX đo được tại hai vị trí lấy mẫu đại diện cho khu dân cư (tại đường Tô Hiến Thành) và khu công nghiệp (tại Khu công nghiệp Tân Bình).

     Kết quả nghiên cứu

     Với những mục tiêu cụ thể ban đầu, đề tài đã thực hiện được một số nội dung chính như sau:

- Nghiên cứu đã kiểm kê nhiều nguồn phát thải BTEX tại TP.HCM để xác định nguyên nhân gây ô nhiễm.

- Nghiên cứu đã xác định được các nguồn chính của BTEX tại TP.HCM là từ hoạt động giao thông. Kết quả cho thấy PMF là một mô hình đáng tin cậy để tính toán phân bổ nguồn ô nhiễm BTEX tại TP.HCM.

- Nghiên cứu đã đưa ra các giải pháp giảm thiểu để giảm phát thải BTEX tại TP.HCM nhằm bảo vệ sức khỏe người dân. Các biện pháp chủ yếu tập trung vào quản lý mật độ giao thông, kiểm soát chất lượng xăng, chất lượng xe, đặc biệt là xe máy.

     Những kết quả nghiên cứu này có thể được tham khảo nhằm đưa ra giải pháp giảm thiểu phát thải BTEX từ các hoạt động giao thông và công nghiệp tại TP.HCM.

     Sản phẩm của đề tài

- Báo cáo tổng kết;

- Cơ sở dữ liệu (Bộ cơ sở dữ liệu về hiện trạng phát thải BTEX từ các nguồn ô nhiễm trong khu vực nghiên cứu và bộ số liệu nồng độ BTEX trong khu vực nghiên cứu);

- 02 bài bài báo Quốc tế thuộc danh mục SCIE;

- 01 bài báo Quốc tế thuộc danh mục Scopus;

- 01 bài báo khoa học đăng tạp chí trong nước;

- Đào tạo: tham gia hỗ trợ đào tạo 01 thạc sĩ;

- 02 bài trình bày tại hội nghị Quốc tế.

     So với sản phẩm đăng ký trong thuyết minh đề cương thì kết quả của đề tài có sản phẩm vượt chỉ tiêu đăng ký: tăng thêm 01 bài báo Quốc tế thuộc danh mục SCIE, 02 bài trình bày tại hội nghị Quốc tế.

     Một số hình ảnh kết quả nghiên cứu của đề tài