Trang chủ Nghiên cứu khoa học Thông tin hoạt động KHCN

Nâng cao chuỗi giá trị ngành tôm bằng mô hình sinh thái khép kín



Trong ngành chế biến thủy sản đông lạnh, cứ mỗi tấn thành phẩm tôm được sản xuất sẽ thải ra môi trường 0,75 tấn phế thải. Các phế liệu này nếu được thu gom và tận dụng để sản xuất ra các sản phẩm khác như bột cá, dầu cá, chitin, chitosan và thức ăn chăn nuôi, phân bón sẽ làm gia tăng chuỗi giá trị trong ngành tôm, giảm lượng phát thải và bảo vệ môi trường.


      Hiện nay, ngành hàng thủy sản quan trọng của ĐBSCL chủ yếu là chế biến tôm và cá tra để xuất khẩu với nguồn nguyên liệu chủ yếu là thủy sản nuôi trồng quy mô công nghiệp.

     Theo báo cáo của Tổng Cục Thủy sản, trong quý 1 năm 2020, diện tích tôm thả nuôi được khoảng 481.534 ha, trong đó tôm sú là 457.420 ha, tôm chân trắng 22.132 ha. Trong đó, Bạc Liêu là tỉnh có sản lượng thu hoạch nhiều nhất, kế đến là Cà Mau, Trà Vinh và Kiên Giang.

    Định hướng năm 2020, diện tích nuôi thả đạt 730.000 ha, trong đó tôm sú 620.000 ha, tôm thẻ 110.000 ha; sản lượng đạt 830.000 tấn, trong đó tôm sú 280.000 tấn, tôm thẻ chân trắng 550.000 tấn; kim ngạch xuất khẩu đạt 3,5 tỉ USD. Song song với thế mạnh nêu trên là vấn đề rủi ro về môi trường cả trong quá trình nuôi và chế biến tôm.

Hình 1. Nguồn nguyên liệu cho ngành chế biến tôm ở ĐBSCL hiện nay chủ yếu từ các hồ nuôi tôm công nghiệp

            Theo các chuyên gia về chế biến thủy sản, chỉ có 55-65% sinh khối của con tôm được sử dụng, 35 – 45% phần còn lại bị bỏ đi, một phần nhỏ phụ phẩm này vẫn được xử lý bằng các phương pháp truyền thống gây ô nhiễm và thành các sản phẩm có giá trị thấp. Đồng thời gây ô nhiễm nặng nề cho môi trường do chưa có cách xử lý chất thải hiệu quả cho ngành tôm.

      Nhận định phụ phẩm tôm chứa nhiều chất dinh dưỡng có giá trị, có thể chiết xuất và áp dụng trong nhiều lĩnh vực tạo ra giá trị mới cao hơn nhiều lần. Các nhà khoa học thuộc Viện Môi trường và Tài Nguyên, Đại học Quốc gia TP.HCM đã tiến hành nghiên cứu “mô hình sinh thái khép kín nhằm nâng cao chuỗi giá trị cho ngành chế biến thủy sản tại khu vực ĐBSCL”.

      Đây là đề tài nghiên cứu nằm trong chương trình Khoa học Công nghệ cấp Quốc gia giai đoạn 2014 – 2019 “Khoa học và Công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ. Theo GS.TS Lê Thanh Hải, Viện trưởng Viện Môi trường và Tài nguyên, ĐHQG-HCM chia sẻ, mục tiêu của đề tài là đánh giá được hiện trạng phát thải, tác động môi trường đồng thời đề xuất và triển khai được mô hình sinh thái hướng đến khép kín dòng vật chất và năng lượng nhằm giảm thiểu tác động môi trường góp phần gia tăng chuỗi giá trị của ngành chế biến thủy sản ở ĐBSCL, trong đó có ngành chế biến tôm.

    Một trong những kết quả tiêu biểu của nghiên cứu là giải pháp chiết xuất các hoạt chất sinh học chitosan từ nguồn phế thải là đầu tôm nhằm nâng cao giá trị của sản phẩm, đồng thời hạn chế tối đa việc thải loại các phụ phẩm ra môi trường.

Hình 2. GS.TS Lê Thanh Hải giới thiệu mô hình hệ sinh thái khép kín nhằm nâng cao chuỗi giá trị ngành tôm tại một Hội thảo ở tỉnh Kiên Giang

         Theo đó, nguyên liệu đầu tôm thải ra từ quá trình chế biến sẽ được thu gom, xử lý qua các công đoạn như xử lý axit (khử khoáng), xử lý kiềm (khử protein), deacetyl…để tạo ra hoạt chất chitosan. Hoạt chất này sau đó được đưa vào bổ sung trong qui trình sản xuất phân bón hữu cơ khoáng và bón thử nghiệm trên đồng ruộng đối với một số loại cây trồng.

      Đánh giá về hiệu quả thực tế của sản phẩm phân bón hữu cơ có bổ sung thành phần chitosan, Tiến sĩ Trà Văn Tung, Phó trưởng phòng Công nghệ Môi trường, Viện Môi trường và Tài nguyên, chủ nhiệm đề tài cho biết: “Việc ứng dụng phân bón hữu cơ có bổ sung chitosan bước đầu thử nghiệm trên cây lúa cho thấy, hiệu quả về mặt môi trường là giảm thiểu việc bón phân vô cơ, phân hóa học giảm thiểu việc phát thải khí thải nhà kính, hạn chế chất thải phát thải vào môi trường. Về mặt hiệu quả kinh tế, đã giảm được chi phí sử dụng phân bón, năng suất cây trồng tăng, sản xuất ra dòng sản phẩm sản xuất theo hướng hữu cơ, tăng giá trị của sản phẩm, giảm chi phí xử lý môi trường”.

    Với tiềm năng thế mạnh ở ĐBSCL trong ngành chế biến tôm, kèm theo đó cũng là tiềm năng của phụ phẩm, với thành công bước đầu trong việc áp dụng các mô hình sinh thái khép kín hay mô hình không chất thải cho phép thu hồi và tái sử dụng nguồn dinh dưỡng bị lãng phí, tối ưu hóa giá trị sản phẩm nông nghiệp và giảm thiểu gánh nặng lên môi trường thì việc nhân rộng giải pháp này và áp dụng trong nhiều ngành sản xuất nông nghiệp khác nhau sẽ mở ra một hướng đi mới mẻ trong việc tối ưu hóa giá trị nông sản, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Theo Lê Quang (Tạp chí Doanh Nghiệp & Đầu Tư)