Trang chủ Nghiên cứu khoa học Thông tin hoạt động KHCN

Kinh tế tuần hoàn và bảo vệ môi trường: Khả năng áp dụng các giải pháp kỹ thuật Kinh tế tuần hoàn cho tỉnh Bến Tre



Ngày 08/12/2022, GS.TS. Lê Thanh Hải tham dự hội nghị công tác quản lý rác thải và kinh tế tuần hoàn năm 2022 do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bến Tre phối hợp tổ chức. Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cao Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Trịnh Minh Khôi chủ trì Hội nghị. Bên cạnh đó, gần 200 đại biểu là đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội tỉnh và lãnh đạo UBND các huyện, thành phố cùng ban, ngành cấp huyện tham gia


Chia sẻ tại Hội nghị về chuyên đề “Kinh tế tuần hoàn và bảo vệ môi trường: Khả năng áp dụng các giải pháp kỹ thuật Kinh tế tuần hoàn tại Bến Tre", GS.TS Lê Thanh Hải Viện trưởng Viện Môi trường và Tài nguyên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh giới thiệu về kinh tế tuần hoàn; phương pháp luận liên quan đến kinh tế tuần hoàn; giới thiệu nhóm nghiên cứu kỹ thuật - hệ thống không phát thải trong sản xuất công - nông nghiệp ở Việt Nam; khả năng ứng dụng các giải pháp kỹ thuật kinh tế tuần hoàn ở Bến Tre và hình ảnh các giải pháp và mô hình đã triển khai.


GS.TS Lê Thanh Hải - Viện trưởng Viện Môi trường và Tài nguyên trình bày báo cáo


Theo GS. TS Lê Thanh Hải, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định xây dựng kinh tế tuần hoàn là một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030. Lần đầu tiên cụm từ “Kinh tế tuần hoàn" được đưa vào Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, cho thấy tầm quan trọng của kinh tế tuần hoàn trong phát triển kinh tế - xã hội. Theo điều 142 Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14, kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên liệu, vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.
Bến Tre đang phát triển các ngành chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản, công nghiệp chế biến, làng nghề truyền thống, cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ với số lượng lớn, việc này cho thấy Bến Tre có nhiều tiềm năng phát triển các giải pháp, mô hình kỹ thuật về kinh tế tuần hoàn. GS.TS Lê Thanh Hải đề xuất một số mô hình kỹ thuật như: kinh tế tuần hoàn cho hộ sản xuất thạch dừa thô; các giải pháp tiến tới không phát rác thải đối với dòng vật chất cho công ty thủy sản; mô hình kỹ thuật cho khu/cụm dân cư có sinh kế chính là nuôi trồng thủy, hải sản mặn, lợ (tôm); mô hình kinh tế tuần hoàn cho cơ sở/nhà máy chế biển thủy sản nước mặn; trồng trọt; chế biến thủy sản nước ngọt,…
 


Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cao Văn Dũng kết luận Hội nghị.


Kết luận Hội nghị, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cao Văn Dũng đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường, các cấp tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy trong tuyên truyền thực hiện công văn của Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo quản lý rác thải trên địa bàn tỉnh Bến Tre; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc như Phòng Tài nguyên Môi trường, Phòng Quản lý Đô thị phối hợp Ban Tuyên giáo cấp huyện, thành phố định hướng tuyên truyền về công tác quản lý rác thải, bảo vệ môi trường, nhất là triển khai các chương trình, dự án, đề án, chính sách, pháp luật có tác động ảnh hưởng đến đời sống người dân. Đặc biệt, nắm tình hình diễn biến tư tưởng dư luận xã hội liên quan đến vấn đề rác thải, bảo vệ môi trường.


 
Đại biểu tham dự Hội nghị.


 
Toàn thể quan cảnh Hội nghị công tác quản lý và kinh tế tuần hoàn 

 

Nguồn tham khảo
https://baodongkhoi.vn/hoi-nghi-cong-tac-quan-ly-rac-thai-va-kinh-te-tuan-hoan-08122022-a108671.html
https://nongthonmoi.bentre.gov.vn/Lists/TinTucSuKien/DispForm.aspx?ID=3800