Trang chủ Nghiên cứu khoa học Thông tin hoạt động KHCN

Hội thảo tổng kết chương trình Tây Nam Bộ tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2018 và triển khai kế hoạch năm 2019



Trong 2 ngày 27-28/12/2019, Văn phòng Chương trình Tây Nam Bộ đã tổ chức Hội thảo Tổng kết tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2018 và triển khai kế hoạch năm 2019 tại Tp. Cần Thơ.  Cán bộ Viện Môi trường và Tài nguyên đã tham gia tích cực và triển khai 04/63 nhiệm vụ trong khuôn khổ Chương trình này. 


Chương trình KH&CN phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ (gọi tắt là Chương trình Tây Nam Bộ) được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt theo quyết định số 734/QĐ-BKHCN ngày 18/4/2014. Chương trình Tây Nam Bộ do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Đại học Quốc gia TPHCM đồng chủ trì, thực hiện trong giai đoạn 2014-2020. Mục tiêu của chương trình là:

- Nghiên cứu xây dựng luận cứ khoa học cho việc hoạch định và thực hiện chiến lược, chính sách phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ;

- Nghiên cứu các giải pháp KH&CN liên ngành để thúc đẩy liên kết nội dung và liên kết vùng trong phát triển bền vững vùng;

- Triển khai các giải pháp KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nam Bộ.

Hình 1. Hội thảo Tổng kết tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2018 và triển khai kế hoạch năm 2019 

Theo báo cáo tại hội thảo, tính đến tháng 12/2019, Chương trình Tây Nam Bộ đã, đang và chuẩn bị triển khai thực hiện 63 nhiệm vụ, trong đó bao gồm 22 nhiệm vụ thuộc lĩnh vực Khoa học xã hội và nhân văn và Phát triển bền vững và 41 nhiệm vụ thuộc lĩnh vực Khoa học tự nhiên, Khoa học công nghệ và Môi trường. Theo đó, chỉ tính riêng Viện Môi trường và Tài nguyên, các cán bộ nghiên cứu đã thực hiện 4 nhiệm vụ trên tổng 63 nhiệm vụ của Chương trình, 04/41 nhiệm vụ thuộc lĩnh vực KHTN, KHCN&MT và 04/16 nhiệm vụ do cán bộ nghiên cứu của ĐHQG-HCM thực hiện.

 

ST  Nhiệm vụ Chủ nhiệm Thời gian Kinh phí
1 Nghiên cứu ứng dụng và triển khai một số mô hình không phát thải hướng tới ngăn ngừa ô nhiễm cho cụm dân cư nông thôn vùng ĐBSCL     GS.TS. Lê Thanh Hải           2018-2020 6.000.000.000
2 Nghiên cứu mô hình sinh thái khép kín nhằm nâng cao chuỗi giá trị cho ngành chế biến thủy sản tại khu vực ĐBSCL TS. Trần Văn Thanh 2018-2020 5.600.000.000
3 Nghiên cứu biến đổi môi trường sinh thái vùng hạ lưu sông Mekong thuộc lãnh thổ Việt Nam và đánh giá tác hại của các họa động kinh tế không được kiểm soát tại thượng nguồn sông Mekong PGS.TS. Châu Nguyễn Xuân Quang 1/9/2017-12/2019 7.050.000.000
4 Nghiên cứu giải pháp chuyển đổi sản xuất nông nghiệp thích ứng với hạn mặn vùng Tây Nam Bộ, nghiên cứu trường hợp điển hình tại tỉnh Bến Tre  PGS.TS. Nguyễn Hồng Quân 10/2019-12/2019 6.200.00.000

 

Hội thảo tổng kết Chương trình kéo dài 2 ngày 27 và 28/12/2019 tại Thành phố Cần Thơ. Hội thảo được chia thành 4 phân ban chính, trong đó GS.TS. Lê Thanh Hải chủ trì Phân ban Nghiên cứu và ứng dụng KHCN về bảo vệ môi trường và thích ứng với Biến đổi khí hậu. 

Hình 2. Phân ban Nghiên cứu và ứng dụng KHCN về bảo vệ môi trường và thích ứng với Biến đổi khí hậu.

Tại phân ban này, cán bộ Viện Môi trường và Tài nguyên đã có những bài trình bày tóm tắt kết quả nhiệm vụ như sau:

- Mô hình Công – Nông nghiệp tích hợp hướng đến sự phát triển bền vững: Mô hình thí điểm tại huyện Chợ Mới, An Giang (Lê Thanh Hải, Trà Văn Tung, Lê Quốc Vĩ, Nguyễn Thị Phương Thảo, Trần Thị Hiệu, Trần Trung Kiên, Nguyễn Thị Hồng). Theo đó, mục tiêu của nghiên cứu này là áp dụng mô hình công nông nghiệp không phát thải (AIZES) bao gồm các thành phần Vườn – Chuồng – Biogas- Nhà – Trạm cho vườn xoài và chuồng heo nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tạo ra sinh kế bền vững cho người nông dân nông thôn khu vực ĐBSCL. Kết quả thực nghiệm cho thấy rằng toàn bộ chất thải phát sinh từ mô hình được tuần hoàn và tái sử dụng một cách tối ưu. Bên cạnh đó, mô hình AIZES tạo sinh kế bền vững cho chủ hộ cũng như tăng nguồn thu nhập cho hộ là 57.000.000đ sau 1 năm áp dụng.

- Nghiên cứu giải pháp chuyển đổi sản xuất nông nghiệp thích ứng với hạn mặn vùng Tây Nam Bộ, nghiên cứu trường hợp điển hình tại tỉnh Bến Tre (Nguyễn Hồng Quân): Nghiên cứu chủ yếu tập trung xây dựng được các mô hình sinh kế nông nghiệp bền vững chủ động theo nguồn nước đảm bảo thích ứng với điều kiện hạn mặn gia tăng như hiện nay vừa đạt hiệu quả cao về kinh tế và môi trường cho vùng Tây Nam Bộ và nghiên cứu khả năng nhân rộng và phát triển mô hình sản xuất thích ứng với hạn mặn trên quy mô toàn tỉnh Bến Tre. Nghiên cứu cũng đã đạt được các kết quả ban đầu bao gồm: (1) Xây dựng bộ công cụ tính toán, dự báo hạn hán, xâm nhập mặn: (i) Sử dụng chỉ số khô hạn; (ii) Mô hình dự báo chỉ số hạn hán SPI; (iii) Mô hình dự báo xâm nhập mặn trước 3 và 9 tháng trước mùa khô; (2) Xây dựng bản đồ thích nghi đất đai cho ĐBSCL và tỉnh Bến Tre; (3) Kiến thức bản địa và bộ tiêu chí sinh kế bền vững ĐBSCL; (4) Động lực và năng lực chuyển đổi sinh kế của người dân ĐBSCL; (5) Xây dựng mô hình trình diễn ứng phó hạn mặn tỉnh Bến Tre.

- Tái sử dụng bùn đáy ao nuôi tôm sản xuất phân bón hữu cơ quy mô công nghiệp (Trà Văn Tung, Lê Thanh Hải, Nguyễn Thị Tường Vi, Lê Quốc Vĩ, Nguyễn Thị Phương Thảo, Trần Thị Hiệu, Trần Trung Kiên, Hồ Thị Thanh Tâm): Mục tiêu nghiên cứu của nhiệm vụ này là tái sử dụng bùn đáy ao nuôi tôm sản xuất phân bón hữu cơ quy mô công nghiệp, nhằm giảm thiểu phát thải từ hoạt động nuôi tôm và bảo vệ môi trường. Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng chất lượng phân bón hữu cơ sản xuất từ bùn thải đạt tất cả các tiêu chuẩn thích hợp cho chất lượng phân bón hưu cơ. 

- Diễn biến thực phủ ĐBSCL 1990-2018: Phân tích từ dữ liệu vệ tinh LANDSAT (Phan Bách Việt, Lâm Đạo Nguyên, Nguyễn Văn Anh Vũ, Châu Nguyễn Xuân Quang): Bằng kỹ thuật phân tích ảnh vệ tinh Landsat trên toàn vùng, kết quả giải đoán từ 1990 đến 2018 cho thấy có những thay đổi đáng kể vè sử dụng đất. Giai đoạn 1990-2000 có tới 42% diện tích toàn vùng có thay đổi trên các loại thực phủ. Xem xét tổng quát từ 1990 tới 2018, có tới hơn 52% diện t1ich các loại thực phủ của cả ĐBSCL thay đổi về phân bố không gian và diện tích. Lúa là loại có nhiều thay đổi nhất về phân bố không gian, Thủy sản tang hơn bảy lần và rừng giảm gần một nữa về diện tích. 

Hình 3. TS. Trà Văn Tung - Viện MT&TN báo cáo tại hội thảo

Trước đó, tại phiên khai mạc của Hội nghị tổng kết Chương trình Tây Nam Bộ vào ngày 22/12/2019, Lãnh đạo hai Bộ chủ trì và Ban Chủ nhiệm Chương trình đã trao quyết định và hợp đồng thực hiện cho các đề tài được tuyển chọn mở mới năm 2018.

Hình 4.  GS.TS. Lê Thanh Hải- Viện trưởng Viện MT&TN  nhận quyết định và hợp đồng thực hiện cho đề tài được tuyển chọn mở mới năm 2018.